Bộ bớt ôm đồm, trường thêm tự chủ

TTO - Cách đây đúng mười lăm năm, tôi thi đại học, và được quyền chọn nhiều trường để thi bởi lúc đó, các trường đều tự chủ trong việc thi tuyển. Danh tiếng của mỗi trường sẽ khiến cho mỗi thí sinh phải tự lượng sức mình khi đặt bút ghi vào hồ sơ dự tuyển. Việc đậu vào trường nào sẽ đem lại danh dự cho chính người dự thi.



Thời gian sau đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã gộp chung tất cả vào một kỳ thi. Những rắc rối, lúng túng về cả phía tổ chức tuyển sinh lẫn mặt bằng đầu vào sinh viên đã thể hiện nhiều bất cập trong chất lượng lẫn số lượng. Cả xã hội đều nhận thấy và thực sự mệt mỏi vì điều đó.

Bây giờ giao quyền tuyển sinh cho các trường, thực ra là trả lại đúng quyền hạn và chức năng cho các trường.

Theo tôi, đây là việc làm đúng bởi không phải ai khác, chính những người gánh vác trọng trách trong ngôi trường của chính mình mới là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng đầu vào cũng như quá trình tuyển sinh sao cho phù hợp nhất, từ đó mới có thể khởi đầu cho một quá trình đào tạo cho các thế hệ sinh viên.

Từ lâu chúng ta đã nhìn thấy một điều trái khoáy, đó là chức năng và quyền hạn của các cơ quan ban ngành và cơ sở đào tạo. Nếu vai trò và chức năng của Bộ, Sở và các ban ngành là quản lý, thì chức năng chính của các trường là đào tạo.

Vậy đúng ra, hãy để cho các trường tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh của mình, có như vậy mới đảm bảo được mặt bằng chuẩn kiến thức để có thể giảng dạy và cho ra được những “thành phẩm” đạt chất lượng.

Thậm chí việc tuyển sinh theo đề chung của Bộ, đã không ít lần xảy ra những sơ sót về chuẩn đáp án khiến ở địa phương này chấm lệch so với địa phương kia là điều đã xảy ra. Như vậy, cùng một đề thi, nhưng phổ điểm ở mỗi vùng sẽ có biên độ lệch nhau khá rộng.

Đã rất nhiều lần, trong vai trò chấm tuyển sinh, tôi và các đồng nghiệp phải ngần ngừ rất lâu trước một số bài làm của thí sinh. Với những bài làm mang tính ngô nghê về nhận thức nhưng có những ý đúng như trong đáp án của Bộ đưa ra, chúng tôi dở khóc dở cười.

Bởi nếu cho đúng theo đáp án, thí sinh đó sẽ có một số điểm nhất định dù thấp. Và nếu năm đó điểm sàn của Bộ đưa ra thấp, thì những thí sinh đó sẽ đậu vào một số trường đại học.

Những lần chấm như vậy, một số thầy cô đã nói đùa, điểm này bên tôi không dạy được, chuyển sang bên anh nhờ kèm cặp thêm. Vô hình trung, “khi lọt sang xuống nia”, sẽ có những cơ sở đào tạo phải “hứng” những “nguyên liệu” thô mộc đến như thế. Và chuyện đào tạo một khóa học ra toàn những sinh viên vững vàng về chuyên môn e là chuyện lạ.


Cuối cùng, điểm chuẩn vào mỗi khoa trường lại do chính từng đơn vị đào tạo tự quyết. Như vậy có cần thiết để Bộ phải vươn tay dài trong việc tuyển sinh nữa hay không?

Đừng băn khoăn rồi làm lui làm tới, hãy làm cái gì đúng với quy luật phát triển và phù hợp với thực tiễn đời sống. Như việc giao quyền tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh, theo tôi, đó là hành động thiết thực nhất của Bộ lúc này, để các trường tự chịu trách nhiệm, cũng là cơ hội để họ khẳng định danh tiếng của nơi họ đang đào tạo. Có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đang như con quay loay hoay với chính mình hiện nay.

Nguồn: TuoiTre


0 nhận xét:

Bình luận

Lên đầu trang
Xuống cuối trang