10 sự kiện nổi bật nhất châu Á năm 2010

(Dân trí) - Hội nghị cấp cao Đông Á với sự xuất hiện của Nga và Mỹ, người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Fields danh giá, những diễn biến nóng bỏng ở Đông Bắc Á, khủng hoảng chính trị ở Thái Lan... là những sự kiện nổi bật ở khu vực năm nay.

1. Hội nghị cấp cao Đông Á với sự hiện diện của Mỹ, Nga

Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của khu vực và quốc tế trong những ngày cuối tháng 10 khi đăng cai Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) với sự xuất hiện của hai cường quốc Nga và Mỹ. EAS, bao gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và sắp tới đây sẽ có thêm Mỹ và Nga, sẽ là cơ chế đóng vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ. Các chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng về lâu về dài, EAS là cơ cấu toàn khu vực thích hợp nhất cho Mỹ, với Mỹ là thành viên và ASEAN là trung tâm điểm.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á tại Hà Nội, 30/10

Sự tham dự của hai Ngoại trưởng Hillary Clinton và Serguei Lavrov tại cuộc họp ở Hà Nội lần này càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là vì kể từ năm 2011, hai tổng thống Mỹ và Nga sẽ chính thức được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc tham gia của 2 nước này vào EAS sẽ dựa trên cơ sở tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức, ưu tiên của EAS và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN.

2. Người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Fields danh giá


Ngày 19/8, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao Huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới. GS Ngô Bảo Châu đã lập một kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước: ông là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Fields, và với ông Việt Nam là nước châu Á thứ 2 sau Nhật Bản giành được giải thưởng danh giá này. Cùng với Ngô Bảo Châu, còn có ba nhà toán học khác đoạt huy chương Fields lần này: Elon Lindenstrauss (người Israel), Stalislav Smiarnov (người Nga), Cedric Villani (người Pháp).

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.

Ngô Bảo Châu đã đưa ra sự chứng minh sáng sủa về “bổ đề cơ bản”, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands - công tác tại viện nghiên cứu Princeton, New Jersey, đưa ra từ những năm 1960. Chương trình Langlands kết nối mọi lĩnh vực của toán học hiện đại. Như chính tên gọi của nó, bổ đề cơ bản tuy chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng nó đã gây lúng túng cho nhiều nhà toán học suốt nhiều thập kỷ qua. Thành tựu đột phá của Ngô Bảo Châu đã giúp các nhà khoa học khác tiến lên trong việc chứng minh cả Chương trình Langlands.

3. Va chạm trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Vụ tranh chấp có từ lâu quanh quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoàng Hải ngày 7/9 đã bùng lên thành cuộc khủng hoảng ngoại giao khi Nhật bắt giữ một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc cùng viên thuyền trưởng, sau một vụ va chạm trong vùng biển đang tranh chấp. Bắc Kinh và Tokyo đã rơi vào các cuộc tranh cãi ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Trung Quốc tuyên bố gác lại cuộc hội đàm song phương về vấn đề biển Hoa Đông được dự kiến vào giữa tháng 9, ngừng đối thoại ngoại giao với Nhật Bản và có tin từ Nhật Bản nói Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang nước này. Tranh chấp quanh hòn đảo này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống Nhật xảy ra tại nhiều thành phố ở Trung Quốc và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Tokyo trong nhiều ngày hồi tháng 10.


Thuyền trưởng trên tàu cá Trung Quốc được trao cho các công tố Nhật vào ngày 9/9
Khủng hoảng ngoại giao Nhật-Trung khiến giới doanh nhân Nhật Bản, nhất là các công ty lữ hành và doanh nghiệp đang đầu tư tại Trung Quốc, lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc. Cuộc khủng hoảng cũng đẩy Mỹ vào thế khó xử. Mặc dù thuyền trưởng Trung Quốc đã được phía Nhật trả tự do, nhưng nguyên nhân chính của căng thẳng vẫn còn đó, tức là vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc nhiều lần cử tàu ngư chính đến khu vực đảo tranh chấp, trong khi Mỹ và Nhật Bản đã quyết định tiến hành tập trận chung quy mô lớn “tác chiến chiếm lại Senkaku”. Tuy nhiên, hai bên đều không muốn làm nóng thêm tình hình, vì sau va chạm này là những lợi ích qua lại sống còn.

4. Tình hình bán đảo Triều Tiên


Vụ tàu chiến Cheonan bị chìm ở Hoàng Hải hôm 26/3, làm 46 thủy thủ thiệt mạng, đã châm ngòi cho căng thẳng gia tăng trong khu vực sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ này và cùng Mỹ tiến hành một loạt cuộc diễn tập hải quân lớn trên biển Hoàng Hải (biển Tây Bán đảo Triều Tiên) và Biển Nhật Bản (phía Đông Bán đảo Triều Tiên). Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo hậu quả của những động thái này và phản đối sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trên vùng biển giữa Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh đảo Yeonpyeong sau vụ giao tranh giữa hai miền

Diễn biến mới nhất là vụ giao tranh giữa hai miền qua vùng ranh giới biển ở Hoàng Hải ngày 23/11, được coi là diễn biến nghiêm trọng nhất kể từ năm 1953. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo của nước này, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Phía Bình Nhưỡng khẳng định vụ pháo kích là nhằm trả đũa lại hành động khiêu khích vũ trang của Seoul. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Triều Tiên gọi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là sự khiêu khích qui mô lớn, đẩy khu vực tới "bờ vực chiến tranh". Bình Nhưỡng đã ra lệnh triển khai tên lửa đất đối đất gần sát biên giới với Hàn Quốc và tuyên bố sẽ nã pháo nếu tàu chiến Mỹ và Hàn Quốc vi phạm hải giới khi tập trận.

5. Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan

Xảy ra khi hàng chục nghìn người biểu tình “áo đỏ” chống chính phủ tham gia cuộc biểu tình lớn ở Bangkok và nhiều thành phố khác, sau đó cố thủ ở trung tâm thủ đô trong các tuần của tháng 4 và 5, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho Thái Lan.

“Áo đỏ” xây "chiến lũy" bằng tre và lốp xe cũ cạnh khu phố tài chính của Bangkok

Phe “áo đỏ” chống chính phủ muốn Thủ tướng từ chức, giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử. Lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng từ ngày 7/4 trên 24 trong tổng số 76 tỉnh của Thái Lan, theo đó trao thêm quyền cho cảnh sát và quân đội để kiểm soát phong trào biểu tình của những người chống chính phủ khi đó. Cuối cùng, ngày 19/5, quân đội đã đẩy bật được những người biểu tình "áo đỏ" chống chính phủ ra khỏi khu vực trung tâm Bangkok, nơi họ đã chiếm lĩnh suốt 6 tuần, nhưng các đám đông giận dữ bạo loạn đốt phá các tòa nhà ở thủ đô và các thị trấn tại Đông Bắc Thái Lan. Đã có hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong hàng loạt vụ đụng độ giữa quân đội và người biểu tình "áo đỏ" từ ngày 14-20/5.

Các cuộc đối đầu giữa quân chính phủ và người “áo đỏ” đã biến trung tâm Bangkok thành vùng hạn chế đi lại đối với du khách ngoại quốc. Nhiều nước cảnh báo công dân du lịch đến Thái Lan. Bất ổn chính trị đã ít nhiều làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, gây tổn thất cho ngành du lịch trong khi giới đầu tư nước ngoài hoang mang.

6. Cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm qua ở Myanmar


Ngày 7/11, cử tri Myanmar đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội lần đầu tiên trong 20 năm qua với kết quả là thắng lợi thuộc về đảng cầm quyền. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của Thủ tướng U Thein Sein đã giành chiến thắng áp đảo tại cả Hạ viện, Thượng viện cũng như cơ quan lập pháp cấp bang và khu vực. Một tuần sau bầu cử, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, 65 tuổi, đã được tự do sau khi mãn hạn 18 tháng quản thúc tại gia.




Cuộc bầu cử được coi là giai đoạn 5, giai đoạn then chốt trong tiến trình 7 bước hướng tới dân chủ của chính quyền quân sự và mang đến hy vọng về một cơ hội “cải cách thật sự” sẽ hé mở trong những năm tới. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử này tạo ra khuôn khổ cho một hệ thống dân chủ, mà sẽ dẫn tới thay đổi trong những năm tới.

7. Động thái lịch sử của Mỹ ở Iraq


Ngày 19/8, lữ đoàn lính chiến cuối cùng của Mỹ rút khỏi Iraq sau hơn 7 năm phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ để tập trung vào cuộc chiến Afghanistan. Mỹ tuyên bố việc chấm dứt các hoạt động chiến đấu tại Iraq là một "thời khắc lịch sử". Sau khi hoàn tất rút các lực lượng chiến đấu, sứ mệnh của Mỹ ở Iraq sẽ chủ yếu mang tính ngoại giao.

Hầu hết binh sỹ trong lữ đoàn chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời Iraq trên xe bọc thép, xuyên qua sa mạc đầy nguy hiểm



Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ấn định ngày 31/8 chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại Iraq. Lầu Năm Góc cho biết sau khi sứ mệnh chiến đấu chính thức kết thúc, số binh sĩ Mỹ tại Iraq sẽ còn khoảng 50.000 người để hỗ trợ và huấn luyện lực lượng Iraq. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ các hoạt động tác chiến sang ổn định tình hình. Cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm đã làm ít nhất 4.413 lính Mỹ thiệt mạng, 31.897 người bị thương với mức chi phí 737 tỷ USD.

Tuy nhiên, động thái lịch sử của Mỹ đã đẩy Iraq chìm sâu vào tình trạng bạo lực và 8 tháng bế tắc không thể thành lập chính phủ mới.

8. Thiên tai, tai nạn cướp đi sinh mạng hàng nghìn người

Trận động đất 7,1 độ Ríchte tại huyện Ngọc Thụ (thuộc tỉnh Thanh Hải) trung tuần tháng 4 đã để lại hậu quả quá lớn, làm hơn 2.000 người thiệt mạng và làm hàng chục nghìn người bị thương.

Trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8 đã tàn phá nước này trên diện rộng, từ vùng Tây Bắc đến miền Nam, cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD.

Xảy ra trong những ngày cuối cùng của tháng 10. Động đất mạnh 7,7 độ richter và sóng thầntại khu vực quần đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra đã làm gần 1.000 người chết. Trong khi đó, núi lửa Merapi phun trào suốt hơn 20 ngày, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10, ở tỉnh Tây Java đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 300 người, làm hơn 400.000 người phải sơ tán, gây thảm hoạ lớn trong vùng và khu vực lân cận.Thủ tướng Hun Sen nói đây là một thảm kịch lớn nhất từ thời Khmer Đỏ



Vụ giẫm đạp kinh hoàng trong lễ hội nước ở thủ đô Campuchia đêm 22/11, làm 456 người chết, trong đó có nhiều người Việt, và hàng trăm người bị thương. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sự kiện này là “tai họa lớn nhất tại Campuchia kể từ thời diệt chủng Pol Pot”. Hầu hết các nạn nhân đã bị giẫm đạp hoặc chết đuối trong lúc tình trạng hoảng loạn đã lên cao khi một đám đông xô nhau băng qua cầu bắc ngang sông Tonle Sap, khiến cho nhiều người bị rơi xuống sông.

9. Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc quý II/2010 đã đạt 1.336 tỷ USD, vượt Nhật Bản (1.288 tỷ USD) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tăng trưởng của Trung Quốc dự báo gấp ít nhất 4 lần tăng trưởng của Mỹ và Tây Âu trong nhiều năm tới. Trung Quốc hiện có lượng vàng và dự trữ ngoại tệ trị giá 5.000 tỷ USD, trừ khoản nợ nước ngoài 374 tỷ USD vẫn còn 4.600 tỷ để đầu tư vào nền kinh tế.

Bên ngoài tổ hợp cao ốc thương mại tại Bắc Kinh



Theo các nhà kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hầu như không có ý nghĩa gì, vì xét về sức mua - một chỉ số kinh tế quan trọng hơn - Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần 1 thập kỷ. GDP danh nghĩa của Trung Quốc (tính bằng đồng USD) được xác định là vượt Nhật Bản chủ yếu nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê. Tuy nhiên, đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng vì nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Đối với chính phủ Trung Quốc, sự kiện trên cũng rất quan trọng vì sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới chú ý hơn và hy vọng nước này sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.


10. Nhịp đập G20 từ Hàn Quốc


Hàn Quốc hết sức tự hào được là quốc gia châu Á đầu tiên và cũng là nền kinh tế đầu tiên đứng ngoài nhóm bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul trong hai ngày 11 và 12/11, với sự hiện diện của các vị nguyên thủ 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh. Đối với dư luận Hàn Quốc, hội nghị G20 tổ chức tại Seoul là sự kiện quan trọng không kém so với việc năm 1991, Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc. Cho dù đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 15 địa cầu, nhưng hiếm khi nào Seoul thực sự có tiếng nói quyết định đối với trật tự kinh tế của thế giới. Seoul coi đây là điểm khởi đầu chính thức đưa Hàn Quốc vào câu lạc bộ rất khép kín của các siêu cường trên thế giới.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo dự thượng đỉnh G20 tại Seoul


Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, ngoài điểm đáng lưu ý đầu tiên là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức ở châu Á và cũng là lần đầu tiên do một quốc gia không thuộc G-7 đứng ra tổ chức, còn có một điểm đặc biệt nữa: lần này, các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ cùng nhau bàn bạc về các vấn đề quốc tế. Điều này chứng tỏ các quốc gia đang phát triển đã có vị thế lớn hơn trên trường quốc tế. Việc các nước phát triển và đang phát triển cùng nhau thảo luận là điều rất quan trọng và chính điều đó đã đóng vai trò tích cực trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm trước. Hội nghị đã thành công, dù trong các cuộc thảo luận, các cường quốc trên thế giới tưởng như khó có quan điểm gần nhau về những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính sách thả lỏng tiền tệ của Mỹ và chuyện thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc.

Nguồn: Dân trí



0 nhận xét:

Bình luận

Lên đầu trang
Xuống cuối trang